Tìm hiểu về Multi-Device UX qua hệ sinh thái Apple

Share

Chia sẻ của một Nhà thiết kế Sản phẩm (Product Designer) tại một công ty startup tại Hàn Quốc về trải nghiệm người dùng đa thiết bị.

Chúng ta hẳn đã quen thuộc với những tình huống như: tạm dừng video Youtube trên PC ở nhà, sau đó tiếp tục xem bằng điện thoại khi đi ra ngoài, hay sử dụng mã OTP gửi về điện thoại để xác nhận danh tính khi sử dụng các website. Chúng ta đang sống trong một môi trường mà ta hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ trên nhiều thiết bị như mobile, PC, tablet hay TV tùy theo mục đích và hoàn cảnh. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về trải nghiệm người dùng đa thiết bị (Multi-Device User Experience).

Nguyên tắc khi thiết kế Multi-Device UX

Michal Levin, một Senior Designer của Google, đã giới thiệu 3 nguyên tắc khi thiết kế trải nghiệm người dùng đa thiết bị trong cuốn sách Designing Multi-Device Experiences: An Ecosystem Approach to User Experiences across Devices 1st Edition. Đó là Consistent (nhất quán), Continuous (liên tục) và Complementary (bổ khuyết lẫn nhau), dưới đây gọi là các nguyên tắc 3C.

Notion luôn cung cấp trải nghiệm nhất quán cho người dùng (nguồn: Notion)

Nhất quán có nghĩa là ứng dụng cần cung cấp một trải nghiệm người dùng đồng nhất trên nhiều thiết bị. Người dùng cần có được trải nghiệm nhất quán khi sử dụng một dịch vụ, để họ không cần học lại ngay cả khi thay đổi thiết bị. Notion là một ví dụ cung cấp trải nghiệm đa nền tảng, được đồng bộ một cách hoàn hảo trên cả thiết bị PC, tablet và mobile. Vị trí và cấu tạo thanh điều hướng hay các tính năng đều được cung cấp một cách đồng nhất, do đó người dùng không cần mất thời gian để học trước khi sử dụng lại ứng dụng trên thiết bị khác.

Người dùng có thể tiếp tục xem các nội dung trên Netflix nhờ tính năng “Xem tiếp” (Nguồn: Netflix)

Liên tục có nghĩa là trải nghiệm của người dùng không bị đứt quãng hay thay đổi ngay cả khi họ chuyển đổi thiết bị. Ví dụ, những dịch vụ OTT như Netflix cung cấp tính năng “Xem tiếp” để người dùng có thể xem tiếp nội dung đang xem dở. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục xem nội dung từ thời điểm đã dừng lại cho dù sử dụng thiết bị nào đi chăng nữa.

Sử dụng ứng dụng điều hướng bằng iPhone (nguồn: Apple)

Bổ khuyết lẫn nhau có nghĩa là ứng dụng trên các nền tảng PC, mobile, tablet hoạt động theo cách bổ khuyết lẫn nhau, theo đúng nghĩa đen. Ví dụ như khi lái xe, tài xế có thể đặt điện thoại trên giá đỡ để kết hợp sử dụng điện thoại và màn hình trên xe. Thông qua ứng dụng CarPlay, Apple đưa các ứng dụng như Phone, Calendar, Map lên màn hình xe hơi với trải nghiệm hệt như khi sử dụng trên thiết bị di động. Thêm vào đó, tài xế có thể ra mệnh lệnh bằng giọng nói qua Siri hoặc sử dụng các nút (handle button) trên xe khi cần thực hiện tác vụ, giảm thiểu những gián đoạn trong quá trình lái xe. Android cũng cung cấp tính năng tương tự thông qua dịch vụ Android Auto.

Hệ sinh thái Multi-Device UX tinh tế của Apple

Như các ví dụ trên, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng Multi-Device UX trong các dịch vụ của mình, tuy nhiên doanh nghiệp thực hiện điều này một cách đáng kinh ngạc nhất nhất chính là Apple. Lý do tôi bắt đầu viết bài viết này cũng là vì tôi đã vô cùng cảm thán và dường như không thể thoát khỏi hệ sinh thái của Apple.

Hệ sinh thái của Apple bao gồm các thành phần chính: mobile (iOS), tablet (iPadOS), PC (macOS), TV (tvOS), watch (watchOS) và App Store. Tôi đã trải nghiệm hết tất cả ngoại trừ TV, từ iPhone, iPad, Apple Watch, iPod, iMac cho đến những phụ kiện đi kèm. Ban đầu tôi chỉ dùng Macbook, nhưng mỗi khi có thêm một thiết bị nữa, mức độ tiện lợi không chỉ tăng lên 2 lần mà là 4 lần, rồi đến 8 lần. Có rất nhiều lý do mang đến sự tiện lợi ấy, nhưng lý do chính chính là Apple đã theo đuổi những nguyên tắc 3C của Multi-Device UX một cách tuyệt đối. Trên thực tế, việc tạo dựng hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ và chiến lược “lock-in” giữ chân người dùng cũng là phương pháp marketing mạnh mẽ của Apple.

Tính nhất quán: App Store

Apple cung cấp trải nghiệm người dùng nhất quán trong ứng dụng (nguồn: Apple)

Yếu tố đóng vai trò lớn nhất trong việc nâng cao tính gắn kết của hệ sinh thái Apple chính là App Store. Bằng cách cung cấp các ứng dụng khả dụng trên bất cứ thiết bị nào, Apple khiến người dùng không thể rời khỏi hệ sinh thái của họ. Ví dụ, nếu người dùng đăng nhập vào App Store bằng cùng một tài khoản, các ứng dụng họ đã tải xuống trên iPhone cũng sẽ được cài đặt một cách tự động trên iPad. Thậm chí khi thiết kế ứng dụng, Apple cũng tuân theo các quy tắc trong Human Interface Guideline để tạo ra một trải nghiệm người dùng nhất quán.

Đọc thêm loạt bài viết về Human Interface Guideline:
Học tập những mẹo thiết kế từ Apple: 1. iOS Design Theme, 2. Visual Design, 3. Detail

Tính liên tục: Handoff & Chia sẻ mật khẩu wifi

Người dùng có thể thấy màn hình Internet đồng nhất giữa iPad và Macbook (nguồn: Apple Handoff)

Tính năng Handoff của Apple cho thấy giới hạn cao nhất của tính liên tục. Đúng theo nghĩa đen, người dùng có thể tiếp tục những thao tác của mình một cách liền mạch trên thiết bị khác, chẳng hạn như copy text trên Macbook và paste vào iPhone hay dùng Macbook để tiếp tục xem cửa sổ trình duyệt (Chrome) trên iPad.

Chia sẻ mật khẩu wifi một cách dễ dàng trên nhiều thiết bị khi đăng nhập cùng một tài khoản (nguồn: tác giả)

Một tính năng khác nữa là chia sẻ mật khẩu wifi. Tính năng này khả dụng không chỉ với những thiết bị được đăng nhập cùng một tài khoản mà còn khả dụng trên thiết bị của những người dùng khác nhau. Người dùng sẽ thấy một action sheet tự động hiện ra, đề xuất họ chia sẻ mật khẩu wifi với thiết bị khác nếu xung quanh họ có thiết bị Apple chưa được kết nối wifi. Nếu người dùng đã nhập mật khẩu wifi trên một thiết bị, họ không cần nhập lại trên thiết bị khác mà chỉ cần nhấn một nút là có thể kết nối wifi dễ dàng. Trong trường hợp khó kết nối wifi, chỉ những thiết bị được ghi nhận trong tài khoản của người dùng mới được tự động kết nối thông qua hotspot.

Tính bổ khuyết lẫn nhau: Airplay & Sidecar

Airplay giúp người dùng sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như một thiết bị duy nhất (nguồn: tác giả)

Airplay là một ngăn xếp giao thức (protocol stack) do Apple phát triển. Thông qua tính năng này, người dùng có thể kết nối các thiết bị Apple để chia sẻ các nội dung đa phương tiện (âm nhạc, video, ảnh) giữa chúng. Ngoài việc kết nối các thiết bị giống nhau, Airplay còn hỗ trợ kết nối các thiết bị khác nhau như Macbook và iPad. Thêm nữa, Airplay có thể kết nối nhiều hơn 2 thiết bị cùng lúc, giúp người dùng sử dụng nhiều thiết bị như một thiết bị duy nhất. 

Tính năng Sidecar giúp người dùng sử dụng iPad như một màn hình bổ sung (nguồn: tác giả)

Để kết nối iPad và Macbook ở cấp độ cao hơn, người dùng có thể lựa chọn sử dụng tính năng Universal Control hoặc Sidecar. Universal Control hỗ trợ người dùng sử dụng các thiết bị một cách độc lập, nhưng có thể điều khiển cả Macbook và iPad bằng cùng một bàn phím, chuột và trackpad. Sidecar giúp người dùng sử dụng iPad như một màn hình bổ sung để mở rộng hoặc phản chiếu (mirroring) màn hình Mac Desktop. Cả hai tính năng đều hỗ trợ Apple pencil và thao tác chạm (touch) trên pad.

Tầm quan trọng của Multi-Device UX

Giờ đây, chúng ta đang sống trong thời đại digital native, lớn lên trong môi trường Internet và có thể sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh và máy tính một cách tự do tự tại. Các đặc điểm 3C – Consistent, Continuous, Complementary – nói trên sẽ ngày càng quan trọng hơn khi con người thường xuyên sử dụng các thiết bị đa dạng để truy cập vào môi trường kỹ thuật số. 

Apple đã không ngừng xây dựng hệ sinh thái của riêng họ kể từ khi phát hành App Store vào năm 2008. Kết quả là, giờ đây người dùng đã quen thuộc với hệ sinh thái này đế mức ai cũng có thể nói chuyện về “hệ sinh thái của Apple”. Các doanh nghiệp khác cũng nên xem trường hợp của Apple là mục tiêu để nâng cao trải nghiệm đa thiết bị của mình. Và trong môi trường cạnh tranh ngày nay, chắc hẳn người dùng các ứng dụng có thể mong đợi những tiện ích ngày càng nhiều hơn và tiện lợi hơn trong môi trường kỹ thuật số.


The original article: 애플 생태계로 알아보는 Multi-Device UX
The translated article above belongs to the author and yozmIT (요즘IT). Metacoders commits not to use this content for any commercial purpose.